Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014

Khi tôi 20

Cũng là lúc một thời tuổi thơ ngọt lịm, hồn nhiên, ngây ngô thuở đầu đời dần trôi về quá vãng, để lại đó một chút gì ngẩn ngơ trong đôi mắt cô bé nhỏ hay buồn. Kí ức lãng đãng hiện về vốn đã mong manh lại mơ hồ khắc khoải. Hà Nội mùa này cũng vội vàng đón hạ, những cành hoa phượng đỏ, những góc trời tím ngắt nhành bằng lăng khéo đưa người ta thả hồn cùng gió, trở về miền kí ức ngọt ngào nhưng xa lắc. Khoảnh khắc bình yên sống bên gia đình chợt hiện về ngày một rõ nét, bóng dáng người mẹ thân yêu của con bé thuở nào bỗng ẩn hiện qua làn nước mắt, nhạt nhòa nhưng cũng nồng ấm tựa hương vị của nắng một chiều cuối tháng Tư…
Tuổi 20- khoảng thời gian giúp ta lớn khôn
Cũng là lúc tôi biết được dư vị trọn vẹn của nỗi nhớ, thấm thía hết những khó khăn vấp phải khi bắt đầu rời xa vòng tay của mẹ. Những yêu thương trong lòng con bé cứ lớn lên dần dần, những nhận thức rõ ràng nhất cũng chẳng bao giờ tồn tại bền lâu. Ngày còn đi học, tôi vẫn coi việc mẹ vất vả nuôi tôi như là trách nhiệm mà bất cứ bậc cha mẹ nào cũng không thể chối từ. Có đâu ngờ mẹ vất vả, mẹ hi sinh hạnh phúc của mình để đổi lấy đôi mắt hồn nhiên và quá đỗi vô tư ấy. Tôi đâu biết, mồ hôi mẹ rơi ướt đẫm vai áo khi tôi cười…
Những buổi chiều vào hạ, mẹ đội cả nắng, gió, mưa bão để đến trường đón đứa con gái nhỏ đúng giờ tan học. Ngày đó quê còn nghèo lắm, đường trơn lại lụt lội mỗi khi mưa ập xuống. Một thoáng đầu đời tôi để lại nơi cuối con đường ấy, để lại cùng nỗi xót xa mặn đắng giống vị mặn giọt mồ hôi rơi xuống mỗi bước chân mẹ từng đi qua.
Cũng là lúc kỉ niệm với mẹ ùa về nhiều nhất, từng đợt một có lúc rõ rệtlúc lại như xa xôi lắm. Tôi đã ước được trở về ngồi trong lòng mẹ, thiu thiu ngủtrans2 Khi tôi 20trong tiếng ru à ơi mỗi trưa bên hiên nhà. Thềm nhà vẫn có nắng, mẹ vẫn ngồi đó chỉ vắng bóng đứa con gái dại khờ của mẹ mà thôi. Nếu cuộc đời con người có thể vĩnh cửu trong một khoảnh khắc thì chắc rằng tôi chẳng xa vòng tay mẹ đâu. Thứ cảm giác bình yên ấy khiến tôi nhớ về thời trẻ con vụng dại. Nhớ cái lần đầu đi học, tôi khóc nhè bắt mẹ cùng vào lớp. Lúc đó trong mắt tôi, trường học là thứ gì đó xa lạ lắm, việc tập viết chẳng bao giờ được ưu tiên bằng mấy trò thả diều, chơi khăng…Đến bây giờ tôi mới hiểu dù tôi có cố viết đến cỡ nào, tập viết cả đời cũng chẳng thể nào viết trọn vẹn hai chữ “cha mẹ”, một chữ “hiếu”.
Nhớ ngày nào tôi ôm bài văn được điểm 9 tả về cô giáo chạy òa vào lòng mẹ khoe rối rít. Mẹ cầm tờ giấy, nhìn vào bài đứa con mình viết về người phụ nữ mà nó yêu quý nhất, mẹ xoa đầu tôi hỏi : “ Sao không viết về mẹ?” Tôi cười vô tư không nói nhưng có ý nghĩ đáng hổ thẹn vụt qua, rằng “Mẹ thì có gì để viết”. Mẹ tôi chẳng viết đẹp như cô, chẳng chân son gót ngà, tóc xõa vai. Tôi trách mẹ chẳng chịu khó làm đẹp. Mẹ vẫn cười ôm tôi vào lòng, mắt mẹ xa hút hướng cái nhìn tới chân trời không một gợn mây. Ngày đó tôi 14.
Gió mùa đông Bắc tràn về, lạnh buốt. Mẹ thức khuya dậy sớm làm bữa cho tôi ăn sáng rồi đi học. Tôi lớn dần lên, và sự tự ý thức của một đứa học phổ thông cũng không còn quá đỗi ngây ngô như hồi còn bé xíu. Nhìn bố mẹ vất vả ngoài đồng, mồ hôi rớt xuống chảy dài trên má tôi bỗng nhiên buồn lạ. Vậy mà nỗi buồn ấy có đọng được lâu đâu, bỗng chốc vụt tan trong mấy cuộc đàn đúm với lũ bạn. Tất cả tan vào gió  rồi hồn nhiên bay đi.
Khi hai anh em tôi cùng học cấp ba cũng là lúc nỗi lo bắt đầu hiện lên trên khuôn mặt mẹ bằng những nếp nhăn ngày một nhiều. Mẹ ngồi kể chuyện ngày xưa, ông bà không cho mẹ đi học tiếp. Mẹ khóc mỗi lần nhớ lại cảnh nhìn bạn bè đến trường còn mẹ vội vàng dắt trâu đi lối khác. Nhìn mẹ buồn, tôi bất lực. Mẹ ít khi khóc trước mặt tôi, và vì thế chẳng biết tự lúc nào, tôi hình thành suy nghĩ cũng không cho phép bản thân để  mẹ nhìn thấy nước mắt mình rơi xuống. Tất cả chỉ lặng lẽ vơi đi khi đêm về, một mình tôi trên gác. Chiếc gối nhỏ ướt đẫm nước. Tôi thương dáng mẹ gầy chẳng được làm theo mơ ước, thương mẹ ngày mưa lẽo đẽo dắt hai đứa con nhỏ sang ngoại khi bị bà nội đuổi về. Ngày mưa ấy, sao không ai thấy nước mắt mẹ tôi rơi?
Tôi nhớ lại ngày lên thủ đô thi đại học. Mẹ một mình tiễn hai bố con đi. Mẹ chẳng đặt áp lực rằng tôi phải thế này thế nọ, mẹ chỉ cần tôi cố gắng hết sức. Nhưng tôi thừa biết trong đôi mắt từng trải kia vẫn nuôi giấu những hy vọng dạt dào, làm sao tôi có thể phủ nhận niềm tin ấy…
Một tháng sau giấy báo trúng tuyển đến nhà, mẹ cười rạng rỡ. Nhưng chỉ trong phút chốc nỗi lo lại le lói đâu đó trên đôi mắt của mẹ. Việc vào đại học của tôi cũng là khởi đầu cho “Khóa học làm thuê dài hạn” của bố mẹ. Ngày tôi đi học, mẹ đứng đó nhìn xe chạy đến cuối đường. Tôi chẳng dám ngoảnh lại, chẳng đủ can đảm để nhìn lại hai bóng hình quen thuộc của cuộc đời cứ từ từ mất hút. Bố kể lúc tôi đi mẹ quay lưng khóc. Có ai hay nước mắt đứa con nhỏ của mẹ cũng lã chã rơi xuống bàn phím điện thoại, rơi cả xuống sân ga một chiều cuối thu.
Khitôi 20…

Tôi chợt nhớ lần đầu tiên trái tim bỗng thổn thức vì một người con trai. Ngày đó những vui buồn vô cớ ập đến bất ngờ. Cánh thư nhỏ vội kẹp trong quyển vở rơi vào tay mẹ. Tôi trách mẹ động vào những thứ riêng tư của bản thân. Tôi ít kể chuyện với mẹ, thay vào đó là những đêm nằm thút thít buồn cho những cảm xúc đầu đời chẳng đến như mong ước. Mẹ nhìn hai mắt tôi sưng húp lên thương hại, mắt mẹ cũng chợt rủ xuống đỏ sọng. Gió khẽ hát như thì thầm bên tôi những lời trách móc.

Khi mà những va chạm đầu đời đã bắt đầu lui đến, những khó khăn cũng ngập đầy trước mặt, chưa bao giờ cảm giác trở về với mẹ lại mãnh liệt như lúc này. Nước mắt con bé lúc nào cũng tự nhiên rơi khi kết thúc cuộc điện thoại về nhà.
Hôm nay tôi tròn hai mươi tuổi, vậy mà ngón tay vẫn vụng dại lúng túng trên bàn phím khi viết bài về mẹ. Tôi chẳng còn suy nghĩ thơ ngây như ngày xưa, vẫn hay trách móc vô cớ, rằng tại sao mẹ không phải giáo viên, bố không là nhà kiến trúc mà tự hào vì họ là chính họ, là hai người tôi yêu nhất. Ngày tháng cũng qua đi, có thể mỗi ngày người tôi nhớ đến đầu tiên khi thức dậy chẳng phải mẹ, cũng chẳng là bố nhưng tình cảm và lòng biết ơn tôi vẫn để lại một góc nhỏ trong tim.
Cuối tháng Tư, nắng vàng rực rỡ. Từng mùa hạ qua đi, tôi bỗng sợ mẹ già thêm một tuổi. Thời gian ơi, chậm lại cho mẹ tôi theo nhé! Cuối chân trời kia, từng vạt nắng hấp hối vẫn cố gắng vươn xa trùm lên cảnh vật, trùm lên kí ức một gam màu hừng hực của tuổi trẻ- tuổi đôi mươi…Rực đỏ và tinh khôi!…

(Sưu tầm)



0 nhận xét:

Đăng nhận xét